Tranh luận về số lượng cá thể và phân loài Rùa_Hồ_Gươm

Rùa Hồ Gươm chậm chạp, hiền lành, thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Khi trời nóng thường hay ngóc cổ lên khỏi mặt nước để thở. Mùa đông thỉnh thoảng phơi nắng.

Rùa Hồ Gươm có thể là một loài rùa mới với danh pháp khoa họcRafetus vietnamensis[cần dẫn nguồn] (đồng nghĩa: Rafetus leloii, rùa Lê Lợi[19]), thuộc họ Ba ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudines), lớp Sauropsida (Mặt thằn lằn).

Tuy nhiên, có sự tranh luận về sự phân loại này và theo một số chuyên gia quốc tế có uy tín, Rùa Hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei (Rùa mai mềm Thượng Hải), và tại thời điểm 20/1/2016, chỉ còn 3 cá thể còn sống.[20]

Hà Đình Đức (người định danh Rafetus leloii, năm 2000), Lê Trần Bình (Viện Công nghệ Sinh học, cùng ctv định danh Rafetus vietnamensis năm 2010)[8][21] và một số nhà khoa học Việt Nam cho rằng rùa Hồ Gươm là loài mới, chỉ có ở Việt Nam. Tuy nhiên các tài liệu khác lại cho rằng hoặc đó là một loài giải lớn với danh pháp Pelochelys bibroni (Sách đỏ Việt Nam năm 1992) hay Rafetus swinhoei.[22] Cũng theo trang web này thì người ta chỉ biết 4 cá thể R. swinhoei còn sống tại thời điểm năm 2010, trong đó một cá thể sống tại hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) của Việt Nam, 1 tại hồ Đồng Mô (Hà Tây cũ) [13] và 2 cá thể kia tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Tô Châu, 1 tại Vườn thú Trường Sa). Hai cá thể khác bắt được tại Cá Cựu (tỉnh Vân Nam) đã chết gần đây bao gồm 1 tại Vườn thú Bắc Kinh chết năm 2005, 1 tại Vườn thú Thượng Hải chết cuối năm 2006. Ngoài ra hiện nay có nhiều lời kể về "giải khổng lồ" xuất hiện ở một số đầm phá dọc sông Hồng, nên còn hy vọng những cá thể khác vẫn tồn tại trong thiên nhiên.

Các tác giả Farkas B. và Webb R.G. vào năm 2003[23] cho rằng danh pháp R. leloii là một đơn vị phân loại không hợp lệ và chỉ là từ đồng nghĩa muộn của R. swinhoei. Mặc dù GS Lê Trần Bình chỉ ra sự khác biệt di truyền, cũng như sự khác biệt về hình thái, qua hình chụp.[21] Tuy nhiên, Farkas và đồng nghiệp trong năm 2010 đã lặp lại kết luận của họ năm 2003, cho là sự khác biệt giữa các mẫu vật có thể là do tuổi tác và trình tự, mẫu gen được sử dụng đã không bao giờ được gửi đến GenBank. Họ cũng chỉ trích việc GS Lê Trần Bình vi phạm Mã ICZN qua việc đổi tên các loài từ R. leloii thành R. vietnamensis là "không phù hợp".[24]

Nhóm tác giả Le Đức Minh và Pritchard P. vào năm 2009[25] dựa trên phân tích dữ liệu ADN đã cho rằng sự khác biệt giữa ADN của những cá thể trong mẫu phân tích của Lê TB và ctv [1] với ADN của loài Rafetus swinhoei là không đủ để kết luận loài mới. Ông Douglas Hendri, giám đốc Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, cán bộ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV đưa ra ý kiến rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei và đưa ra khả năng duy trì bằng cách cho lai với rùa hồ Đồng Mô hoặc với rùa tại vườn thú Trung Quốc.[26] Rhodin et al. (2010)[27] vẫn coi rùa Hồ Gươm là R. swinhoei.

Tháng 4 năm 2011, một cá thể rùa Hồ Gươm đã được bắt để chữa bệnh và lấy mẫu gen để phân tích[28][29] Bài báo phân tích gen năm 2013 của tác giả Lê Đức Minh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội đăng trên tạp chí Organisms biodiversity & Evolution chỉ ra những mẫu vật ghi nhận về loài rùa này gồm mẫu rùa Hoàn Kiếm (mẫu lấy từ cụ rùa trong đợt cứu chữa năm 2011), mẫu rùa Đồng Mô, mẫu rùa tại Yên Bái, Phú Thọ, Ba Vì và 02 mẫu rùa bên Trung Quốc đều cùng loài và là loài Rafetus swinhoei. Sự khác biệt về gen ở những mẫu vật này là rất nhỏ, không đủ căn cứ để phân loại ra loài mới.